Chào em!
Với đề bài trên, cô có một số gợi ý như sau:
Câu 1: Đoạn văn trên trích từ tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” (Hồi thứ mười bốn). Tác giả là: Ngô gia văn phái (nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du).
Ý nghĩa nhan đề tác phẩm:
Hoàng Lê nhất thống chí là sách ghi chép sự thống nhất đất nước của Vương triều nhà Lê thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh.
Câu 2: Đoạn văn trên là lời của vua Quang Trung nói với quân lính.
Câu 3: “Người phương Bắc”: Chỉ bọn phong kiến Trung Quốc xâm lược nước ta.
Câu 4: Em cần viết đoạn văn theo đúng cấu trúc tổng – phân – hợp (lưu ý phối hợp yêu cầu về tiếng Việt: sử dụng 01 câu bị động). Cần tập trung vào những nội dung chính sau:
a) Trí tuệ sáng suốt và nhạy bén
*Sáng suốt trong việc lên ngôi hoàng đế:
- Hành động này đã khẳng định chính danh cho mọi người hiểu ông đã nhận trọng trách lớn đối với quốc gia, dân tộc là đánh đuổi bọn cướp nước. Mặt khác, việc lên ngôi thể hiện mục đích thống nhất nội bộ, hội tụ nhân tài và tập hợp sức mạnh.
*Sáng suốt trong việc nhận định tình hình (lời phủ dụ):
- Mở đầu lời phủ dụ, nhà vua đã thông báo cho quân lính biết tình hình nghiêm trọng của đất nước: "quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long".
- Sau đó, Quang Trung đã khẳng định chủ quyền của dân tộc ta: "đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng". Ông vạch trần dã tâm xâm lược của bọn phong kiến phương Bắc, đặc biệt là nhà Thanh: "Mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện"
- Ông còn nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông ta: "đời Hán có Trưng nữ vương,… đời Minh có Lê Thái Tổ".
- Ông khích lệ tinh thần yêu nước của quân lính và kêu gọi họ"đồng tâm hiệp lực" để cùng nhà vua đánh đuổi bọn ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc.
- Ông đề ra kỉ luật nghiêm minh: "ăn ở hai lòng nếu như bị phát giác sẽ bị giết ngay tức khắc", có tính chất răn đe kẻ phản trắc.
→ Lời phủ dụ thấu tình đạt lý khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ý thức tự tôn dân tộc của quân sĩ. Đó cũng là quân lệnh nghiêm khắc có tác dụng chấn chỉnh đội ngũ, tập hợp sức mạnh.
*Sáng suốt trong việc xét đoán bề tôi:
- Ông phân tích, khen chê đúng mực với hai tướng Sở, Lân: có sức mạnh nhưng không mưu lược. Ông tha chết và tạo điều kiện cho họ được lập công chuộc tội. Việc làm của Quang Trung khiến cho quân lính cảm phục tấm lòng bao dung độ lượng và ân đức cao dày của nhà vua. Trong hoàn cảnh lúc đó việc làm của Quang Trung đã tập hợp được sức mạnh để tập trung đánh đuổi bọn cướp nước.
b) Tầm nhìn xa trông rộng
- Vừa mới khởi binh mà đã tính được ngày chiến thắng: "hẹn đến ngày mùng 7 năm mới thì vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng" ;Thực tế sáng mồng năm đại binh đã vào tới Thăng Long.
- Quang Trung rất đề cao Ngô Thì Nhậm - một trí thức Bắc Hà. Vua còn tính sẵn kế hoạch ngoại giao sau khi đánh thắng quân Thanh => Mục đích giữ yên lòng người, giữ cho đất nước khỏi họa binh đao.
Chúc em làm bài tốt! Thân mến!